Buồn nôn và nôn là tác dụng phụ thường gặp ở các bệnh nhân đang điều trị ung thư. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng buồn nôn và nôn ở bệnh nhân ung thư. Đây thường chỉ là vấn đề thoáng qua, ngắn hạn khi người bệnh điều trị, truyền hóa chất và sẽ biến mất khi việc điều trị kết thúc.
Tuy nhiên, nếu tình trạng buồn nôn và nôn ói kéo dài làm người bệnh chán ăn, sợ ăn, khó chịu, mệt mỏi, kiệt sức thì phải chia sẻ với bác sĩ chăm sóc sức khỏe của mình ngay. Hiện có rất nhiều loại thuốc kiểm soát tốt triệu chứng này và bạn không cần phải chịu đựng sự khó chịu này nữa.
Vậy buồn nôn, nôn có thể gây hại như thế nào?
Nôn nghiêm trọng, nhiều lần kéo dài làm kiệt sức, mệt mỏi và làm cho bạn có tâm lý lo sợ việc điều trị tiếp theo. Điều này sẽ gây khó khăn cho tiến trình điều trị mà bạn đang cần.
Nếu điều này xảy ra, bạn phải thông báo cho bác sĩ để xử lý kịp thời, giúp bạn duy trì được năng lượng, duy trì cân nặng và cải thiện tốt tình trạng khó chịu này.
Cần làm gì khi cảm thấy buồn nôn và nôn trong quá trình hoá trị hoặc xạ trị?
-
Mặc quần áo rộng rãi.
-
Thuốc chống nôn được bác sĩ cấp cho người bệnh nên được uống theo lời dặn, ví dụ 4 lần/ ngày, kể cả khi người bệnh không buồn nôn thì bạn vẫn nên uống thuốc. Điều này sẽ ngăn ngừa tốt triệu chứng buồn nôn và nôn.
Không nên chờ đến khi có nôn ói mới uống, điều này sẽ khiến cho việc ngăn ngừa không đạt được kết quả tốt.
Đôi khi phải sử dụng phối hợp cùng lúc 2 loại thuốc để đạt kết quả tốt nếu dấu hiệu buồn nôn và nôn của người bệnh nghiêm trọng.
Trao đổi với bác sĩ nếu thuốc chống nôn không có tác dụng hoặc có tác dụng phụ để được thay đổi loại thuốc phù hợp hơn.
-
Hạn chế các âm thanh, hình ảnh và mùi quá nồng như dầu thơm có thể gây ra buồn nôn và nôn. Có thể thay dầu thơm bằng vỏ quýt, vỏ cam, khuynh diệp, bạc hà, oải hương không những phù hợp mà còn làm bạn cảm thấy thoải mái hơn.
-
Nhai một ít kẹo gừng dẻo cũng làm người bệnh dễ chịu hơn.
-
Đánh răng và súc miệng sạch sẽ sau mỗi lần nôn.️
Lời khuyên dinh dưỡng cho bệnh nhân nếu gặp vấn đề buồn nôn và nôn trong quá trình điều trị
-
Đảm bảo rằng bệnh nhân phải được ăn uống đầy đủ vào những ngày được điều trị. Thông thường, một bữa ăn nhẹ (không nên ăn quá no vì sẽ dễ nôn ói hơn) hoặc có thể ăn vặt trước khi điều trị, truyền hóa chất là tốt nhất.
-
Lựa chọn các loại thực phẩm và đồ uống dễ tiêu hoá, hoặc khiến bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn như: nước suối / nước khoáng có ga, thức ăn nhạt, kẹo có vị chua, bánh quy khô hoặc bánh mì nướng.
-
Cố gắng ăn nhiều bữa nhỏ hoặc đồ ăn nhẹ thay vì 3 bữa chính.
-
Thêm hàm lượng calo và protein vào thực phẩm. Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng có thể sẽ hữu ích trong thời gian này.
-
Ăn những thực phẩm mà bệnh nhân cảm thấy muốn ăn.
-
Có thể thử thức ăn lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng bình thường tùy ý thích của người bệnh.
-
Tận dụng những ngày bệnh nhân cảm thấy khoẻ và muốn ăn để bổ sung dinh dưỡng. Hãy lắng nghe cơ thể và đừng nên bắt bản thân phải ăn.
-
Nên ăn những món ăn tự chế biến tại nhà.
Thường buồn nôn và nôn xảy ra chỉ trong khoảng 5 đến 10 ngày sau khi truyền hóa chất, sau đó người bệnh sẽ nhanh chóng ăn uống ngon miệng trở lại, đôi khi còn ngon miệng hơn trước đó và mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường.
Đơn vị Ung Bướu - Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) sở hữu đội ngũ các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm với đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị để tầm soát phát hiện sớm ung thư cũng như tư vấn phối hợp chọn lựa điều trị cá thể hóa phù hợp nhất dành cho bạn.
-------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH):
☎️ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận