Khuỷu tay là bộ phận dễ gặp chấn thương do thường xuyên chịu lực tác động cơ học từ các hoạt động hằng ngày. Khi bị tổn thương, khuỷu tay bị đau sẽ gây cản trở hoạt động của cánh tay, ảnh hưởng đến vận động và chất lượng công việc, cuộc sống của người bệnh. Cùng AIH tìm hiểu nguyên nhân gây đau khuỷu tay, cách phòng ngừa và điều trị để có hướng can thiệp kịp thời.
► Cấu tạo của khuỷu tay
Khuỷu tay là một khớp được hình thành ở vị trí xương cánh tay trên, xương trụ và xương quay gặp nhau. Mỗi xương có một lớp sụn ở đầu, giúp chúng trượt qua nhau và hấp thụ chấn động. Các xương được giữ cố định nhờ vào các mô cứng gọi là dây chằng. Các gân kết nối xương với cơ bắp, cho phép chúng ta di chuyển cánh tay theo nhiều cách khác nhau và thực hiện các động tác từ đơn giản đến phức tạp như ném, nâng, đu, và ôm. Tuy nhiên, chính vì vậy mà khuỷu tay cũng là bộ phận rất dễ gặp tổn thương.
► Những đối tượng có nguy cơ bị đau khuỷu tay
Đau khuỷu tay thường gặp phải ở những người thực hiện quá nhiều động tác khuỷu tay (nắm, nâng) lặp đi lặp lại trong công việc, thể thao hoặc các hoạt động tương tự, điển hình như:
-
Người làm công việc lắp ráp sản phẩm, công nhân dây chuyền trong các nhà máy, xí nghiệp.
-
Người làm công việc đòi hỏi sử dụng cơ tay nhiều như đầu bếp, họa sĩ, thợ mộc,…
-
Người chơi thể thao, vận động viên các môn thể thao dùng nhiều lực tay như bóng chày, tennis, cử tạ, chống đẩy,…
► Nguyên nhân gây đau khớp khuỷu tay
-
Nguyên nhân bệnh lý: Đa phần các trường hợp đau khớp khuỷu tay là do các mô mềm bị căng hoặc viêm như: viêm gân, viêm khớp, viêm bao hoạt dịch,…
-
Nguyên nhân ngoại cảnh: Đau khuỷu tay có thể đến từ các tác nhân bên ngoài gồm chấn thương do ngã, va đạp khi chơi thể thao, gãy xương, bong gân, căng cơ, trật khớp và rách gân.
-
Nguyên nhân hao mòn: Những chấn thương xảy ra theo thời gian khi lặp lại các hành động nhất định và gây mòn, rách cho khuỷu tay, thường xảy ra do chơi thể thao, đặc biệt là tennis, golf hoặc do đặc thù công việc.
► Triệu chứng của đau khớp khuỷu tay
Triệu chứng đau khuỷu tay có thể khác nhau tùy vào nguyên nhân. Trong đó các triệu chứng phổ biến có thể kể đến như:
-
Đau ở một hoặc cả hai khuỷu tay
-
Đau ở bên trong hoặc bên ngoài của khuỷu tay
-
Đau cảm thấy như ở sâu trong khớp khuỷu tay
-
Đau nhói
-
Đau âm ỉ
-
Cảm giác tê hoặc ngứa ran ở cánh tay hoặc bàn tay
-
Cứng khớp
-
Sưng
-
Sức nắm tay giảm
-
Không thể di chuyển khuỷu tay hoặc phạm vi chuyển động hạn chế
-
Bầm tím
► Chẩn đoán nguyên nhân gây đau khuỷu tay
Khi thăm khám, ngoài việc khai thác tiền sử bệnh, các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ cũng sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau khuỷu tay:
-
Chụp X-quang khuỷu tay: kiểm tra xem có các tổn thương về xương, gãy xương hay viêm khớp hay không
-
Siêu âm khuỷu tay: xác định nhanh các vị trí tổn thương trong hệ thống xương khớp
-
Chụp cộng hưởng từ (MRI): khảo sát các mô mềm xung quanh khớp như sụn khớp, dây chằng, mao mạch và dây thần kinh
-
Điện cơ: sử dụng các cú sốc điện nhẹ để kích thích các dây thần kinh và đo mức độ phản ứng
► Phương pháp điều trị đau khuỷu tay
Tùy vào nguyên nhân gây đau khuỷu tay và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Với nguyên nhân đau khuỷu tay do vận động quá sức, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi kết hợp sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian ngắn để hồi phục. Tuy nhiên, với những chấn thương nghiêm trọng hơn sẽ cần điều trị lâu dài hoặc can thiệp bằng phẫu thuật.
- Điều trị bằng thuốc: Căn cứ vào mức độ đau, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) bao gồm:
-
Acetaminophen
-
Aspirin
-
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen và naproxen
Nếu những loại thuốc này không kiểm soát được cơn đau, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau mạnh hơn hoặc tiêm corticosteroid.
- Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu rất hiệu quả trong việc tăng cường sức mạnh, giảm viêm, khôi phục phạm vi chuyển động và độ linh hoạt của khuỷu tay. Bác sĩ cũng có thể chỉ định một số bài tập thể dục giúp hồi phục các chấn thương do chuyển động lặp đi lặp lại hoặc viêm khuỷu tay như:
-
Kéo giãn cổ tay: Duỗi thẳng cánh tay và nhẹ nhàng kéo tay về phía người để kéo giãn mặt trong của cẳng tay.
-
Kéo giãn cổ tay: Duỗi thẳng cánh tay, với lòng bàn tay và các ngón tay hướng xuống, sau đó nhẹ nhàng kéo tay về phía người để kéo giãn mặt ngoài của cẳng tay.
-
Tăng cường sức mạnh cổ tay: Đặt cẳng tay lên bàn, lòng bàn tay hướng lên hoặc xuống, và uốn cong cổ tay lên hết mức có thể, kết hợp thêm tạ nhẹ.
-
Tăng cường sức mạnh xoay cẳng tay: Đặt cẳng tay lên bàn với lòng bàn tay hướng sang một bên, sau đó xoay lòng bàn tay đến khi hướng xuống rồi trở lại vị trí ban đầu, kết hợp thêm tạ nhẹ.
- Các biện pháp giảm đau khuỷu tay tại nhà: Đối với các bệnh lý phổ biến như viêm khuỷu tay gây ra bởi các chuyển động lặp lại, có thể áp dụng một số phương pháp sau để giảm đau tại nhà:
-
Nghỉ ngơi: Hạn chế sử dụng khuỷu tay vài ngày có thể làm giảm tình trạng đau khuỷu tay
-
Chườm đá: Sử dụng túi đá hoặc bọc đá trong vải hoặc khăn để tránh tiếp xúc trực tiếp với da và chườm vùng đau trong 15 đến 20 phút, mỗi ngày 3 - 4 lần.
-
Nẹp hoặc băng khuỷu tay: Sử dụng băng đàn hồi quấn quanh khuỷu tay để giữ ấm và giúp chuyển động khớp không bị vượt quá giới hạn, giúp giảm áp lực lên cánh tay khi thực hiện một số hoạt động nhất định.
-
Kê cao khuỷu tay: Việc nâng cao khuỷu tay sẽ giúp giảm sưng và đau. Có thể chống khuỷu tay trên gối hoặc chân để việc nâng lên dễ dàng và thoải mái hơn.
Những phương pháp này giúp giảm đau và hỗ trợ quá trình hồi phục, tuy nhiên bệnh nhân cần tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu để có phương pháp điều trị phù hợp nhất.
- Phẫu thuật: Trong trường hợp tình trạng đau khuỷu tay không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để cải thiện chức năng khuỷu tay, Các phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng gồm mổ mở, mổ nội soi và mổ thay khớp nhân tạo.
► Phòng ngừa đau khớp khuỷu tay
Đau khớp khuỷu tay do các nguyên nhân tai nạn, hao mòn tự nhiên vì tuổi tác thường khó phòng tránh, tuy nhiên một số lưu ý sau có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về khuỷu tay do thể thao hoặc nghề nghiệp:
-
Khởi động kỹ trước khi tham gia các hoạt động thể chất, như chơi thể thao hoặc tập luyện tại phòng gym.
-
Tuân thủ các kỹ thuật và thực hiện đúng cách các hoạt động thể thao như nâng tạ, đánh golf, tennis,… để kiểm soát áp lực lên khuỷu tay.
-
Làm nguội cơ thể kỹ lưỡng sau khi tập luyện.
-
Điều trị dứt điểm các chấn thương trước khi quay trở lại luyện tập, làm việc
-
Cân bằng thời gian giữa vận động, làm việc và nghỉ ngơi; tránh tình trạng vận động và làm việc gắng sức.
-
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để cung cấp đủ các nhóm chất, giúp duy trì xương, mô, cơ chắc khỏe.
Tại Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), chúng tôi cung cấp các giải pháp điều trị khác nhau cho các vấn đề cơ xương khớp bao gồm: Chẩn đoán chỉnh hình, điều trị bảo tồn, phẫu thuật và phục hồi chức năng chỉnh hình.
Quan trọng nhất, bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình sẽ cùng phối hợp với bác sĩ vật lý trị liệu phục hồi chức năng để lên kế hoạch điều trị và thiết kế bài tập riêng cho từng bệnh nhân dựa trên đánh giá bệnh nhân qua nhiều yếu tố: mức độ bệnh, nghề nghiệp, thói quen chơi thể thao, những bệnh lý khác của bệnh nhân, thời gian tập luyện phù hợp với bệnh nhân.
Bên cạnh đó, AIH được trang bị nhiều máy móc thiết bị hiện đại để hỗ trợ giảm đau, rút ngắn thời gian phục hồi sức khỏe, không gian điều trị lý tưởng hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh tham gia tập luyện, sớm vận động bình thường trở lại.
--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎ Hotline: (028) 3910 9999
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận