Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

ĐAU THẮT LƯNG: CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIỮ CỘT SỐNG KHỎE?

24/09/2024

0
Thắt lưng (hay lưng dưới) là khu vực bắt đầu từ dưới khung xương sườn đến vùng hông. Đau thắt lưng là bệnh lý phổ biến và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Trừ một số trường hợp, hầu hết tình trạng đau thắt lưng không gây nguy hiểm, tuy nhiên đau thắt lưng vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị kịp thời.

Đau thắt lưng diễn ra như thế nào?

Đau thắt lưng có thể do nhiều chấn thương, tình trạng hoặc bệnh khác nhau gây ra, thường gặp nhất là do chấn thương cơ hoặc gân ở lưng.

Mức độ đau có thể dao động từ nhẹ đến nặng. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể khiến việc đi lại, ngủ nghỉ, làm việc hoặc sinh hoạt hàng ngày trở nên khó khăn.

Thông thường, đau thắt lưng ở mức độ nhẹ sẽ cải thiện khi nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau và tập các bài tập vật lý trị liệu. Tiêm cortisone và các phương pháp điều trị bằng tay (như nắn xương hoặc nắn chỉnh cột sống) có thể giúp giảm đau và hỗ trợ quá trình hồi phục. Nếu gặp tình trạng chấn thương hoặc đau nghiêm trọng hơn, bệnh nhân sẽ cần được điều trị bằng phẫu thuật.

Ai thường bị đau thắt lưng?


 
  • Người trên 30 tuổi: Qua 30 tuổi, đĩa đệm sẽ bị bào mòn và giảm dần khả năng chịu áp lực từ các đốt sống. Quá trình lão hóa tự nhiên này dẫn đến mức độ đau tăng dần theo độ tuổi.
  • Người béo phì, tăng cân không kiểm soát: Những người thừa cân, béo phì có nhiều khả năng bị đau thắt lưng do trọng lượng dư thừa gây áp lực lên các khớp và đĩa đệm.
  • Phụ nữ mang thai: Khi mang thai, trọng lượng cơ thể tăng nhanh và khung xương chậu cần điều chỉnh để thích nghi với thai nhi đang lớn dần, dẫn đến việc đau hông và lưng.
  • Người có lối sống thiếu lành mạnh: Ít tập luyện thể thao dẫn đến cơ bụng yếu không thể hỗ trợ cột sống, đôi khi gây căng cơ, thậm chí bong gân lưng. Những người hút thuốc, uống rượu quá mức cũng có nguy cơ bị đau lưng cao hơn.
  • Một số nghề nghiệp đặc thù: Các công việc và hoạt động đòi hỏi nâng vác nặng hoặc cúi gập có thể tăng nguy cơ chấn thương lưng. Nhân viên văn phòng ngồi quá lâu hoặc sai tư thế cũng là đối tượng dễ bị đau thắt lưng mãn tính.
  • Trẻ nhỏ mang ba lô nặng: Trẻ em thường xuyên mang ba lô nặng có khả năng cao dẫn đến vẹo cột sống và gây đau lưng, vai và cổ về lâu dài.
  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh về thoái hóa khớp, đau lưng mãn tính thường có nguy cơ bị đau thắt lưng cao hơn người bình thường.
  • Người có vấn đề sức khỏe tinh thần: Trầm cảm và lo âu cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến đau lưng.

Nguyên nhân gây đau mỏi thắt lưng

Đau thắt lưng có thể do nhiều nguyên nhân bao gồm:


 
  • Căng cơ và bong gân: Căng cơ và bong gân lưng là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau lưng. Căng cơ có thể xảy ra do ho, hắt hơi, xoay hoặc cúi người. Chấn thương cơ, gân hoặc dây chằng thường do nâng vật quá nặng hoặc sai tư thế.
  • Gãy đốt sống do loãng xương: Theo thời gian hoặc do chế độ ăn uống gây ra loãng xương khiến xương giòn và dễ gãy, chỉ cần một chấn thương nhẹ cũng có thể gây gãy xương, đặc biệt là xương đốt sống, từ đó gây nên tình trạng đau lưng.
  • Thoát vị đĩa đệm thắt lưng: Đĩa đệm giúp giảm áp lực giữa các đốt sống. Khi bị tổn thương, đĩa đệm có thể phồng lên khỏi vị trí trong cột sống và chèn ép dây thần kinh hoặc bị rách gây thoát vị đĩa đệm. Ở người cao tuổi, đĩa đệm có thể bị thoái hóa, mất đi sự dẻo dai và giảm chức năng vốn có.
  • Vấn đề cấu trúc: Hai tình trạng phổ biến gây đau thắt lưng liên quan đến cấu trúc cột sống là hẹp ống sống và vẹo cột sống. Hẹp ống sống xảy ra khi không gian bên trong ống sống bị thu hẹp gây áp lực lên rễ thần kinh và tủy sống, có thể gây đau thần kinh tọa và đau thắt lưng nghiêm trọng. Vẹo cột sống (hay cong cột sống) là tình trạng cong vẹo bất thường của cột sống có thể dẫn đến đau, cứng và khó di chuyển.
  • Viêm khớp: Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất gây đau thắt lưng. Bên cạnh đó, viêm cột sống dính khớp cũng là nguyên nhân thường gặp gây đau lưng dưới, viêm và cứng cột sống.
  • Bệnh toàn thân: Đau thắt lưng cũng có thể là triệu chứng của một bệnh khác như u cột sống, nhiễm trùng và một số loại ung thư. Người bị sỏi thận và phình động mạch chủ bụng cũng có thể bị đau thắt lưng.
  • Trượt đốt sống: Tình trạng này khiến các đốt sống trong cột sống trượt ra khỏi vị trí. Trượt đốt sống dẫn đến đau lưng dưới, đi đứng khó khăn, thậm chí bị tê liệt hai chân.

Triệu chứng của đau thắt lưng là gì?



Triệu chứng của đau thắt lưng có thể xuất hiện đột ngột hoặc tăng dần. Cơn đau có thể nhói hoặc âm ỉ và lan xuống mông hoặc dọc theo phía sau chân khi thực hiện những tư thế gây căng cơ lưng (như cúi người) và giảm dần khi nằm nghỉ ngơi.

Ngoài ra, đau thắt lưng còn có một số triệu chứng khác như:
 
  • Cứng khớp: Người bệnh gặp khó khăn khi di chuyển hoặc duỗi thẳng lưng, phạm vi chuyển động giảm. Khi ngồi lâu, việc đứng dậy và đi lại cũng mất nhiều thời gian hơn.
  • Ảnh hưởng đến tư thế: Nhiều người bị đau thắt lưng sẽ cảm thấy khó đứng thẳng. Do đó, bệnh nhân thường có dáng đứng lệch về một bên hoặc cong người, phần lưng dưới trông phẳng thay vì cong như người không mắc bệnh.
  • Co thắt cơ: Đau thắt lưng do co thắt cơ không kiểm soát gây đau cực độ và khiến bệnh nhân khó hoặc không thể đứng hoặc di chuyển.

Khi nào cần can thiệp y tế?

Trong hầu hết các trường hợp, đau thắt lưng sẽ tự giảm trong vài ngày. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hơn một tuần kèm theo các dấu hiệu sau, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để thăm khám và được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân gây đau:


 
  • Đau lan sang các bộ phận khác của cơ thể như mông, chân có thể là dấu hiệu của đau thần kinh tọa. Đau thần kinh tọa thường do thoát vị đĩa đệm gây ra.
  • Nếu trước khi bị đau, bệnh nhân đã gặp tai nạn giao thông, té ngã, hoặc các loại chấn thương khác, có thể đó là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng như gãy xương.
  • Đau lưng kèm theo cảm giác kim châm, tê hoặc yếu có thể cảnh báo sự kích thích hoặc tổn thương thần kinh. Đặc biệt nếu cơn đau kéo dài kể cả sau khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Đau thần kinh rất nguy hiểm và nếu không được điều trị, có thể dẫn đến tổn thương hoặc tàn tật vĩnh viễn.
  • Cơn đau tồi tệ hơn ở một số vị trí nhất định hoặc trong một khoảng thời gian nhất định. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, gãy xương, chèn ép thần kinh nặng, hoặc thậm chí là ung thư.
  • Đau kèm theo mất kiểm soát đại tiện hoặc tiểu tiện có thể là dấu hiệu của hội chứng chùm đuôi ngựa, trong đó các dây thần kinh ở cột sống dưới bị chèn ép. Mặc dù hiếm gặp, nếu không được điều trị, có thể gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Bệnh nhân cần được phẫu thuật để giải nén dây thần kinh và khôi phục chức năng của chúng.
  • Đau kèm theo sốt và không đáp ứng với các phương pháp điều trị không kê đơn có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nguy hiểm, bác sĩ sẽ cần xác định nguyên nhân và dùng thuốc thích hợp như kháng sinh trong trường hợp nhiễm trùng.
  • Đau lưng kèm giảm cân không chủ đích là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng hoặc khối u trong cơ thể.

Chẩn đoán đau thắt lưng

Trong trường hợp đau thắt lưng, bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng và khám lâm sàng. Bên cạnh đó, các xét nghiệm cần thiết để xác định bệnh nhân có gãy xương hoặc tổn thương khác hay không cũng có thể được chỉ định:
 
  • Chụp X-quang giúp phát hiện các bất thường củ xương.
  • Chụp MRI, CT để khảo sát bất thường sử dụng của xương, cơ, gân và các mô mềm khác.
  • Điện cơ (EMG) để kiểm tra thần kinh và cơ bắp, kiểm tra tổn thương thần kinh (có thể gây ngứa ran hoặc tê ở chân).

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau, bác sĩ của bạn cũng có thể yêu cầu xét nghiệm thêm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu nhằm phát hiện các dấu hiệu di truyền gây đau lưng hoặc sỏi thận.

Phương pháp điều trị đau thắt lưng
 
  • Dùng thuốc: Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) hoặc thuốc kê đơn để giảm đau, thư giãn cơ và ngăn ngừa co thắt lưng.
  • Vật lý trị liệu: Để cải thiện tình trạng đau nhức và tăng sự linh hoạt, hạn chế chấn thương cột sống, bệnh nhân có thể được hướng dẫn thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu .
  • Một số phương pháp điều trị thay thế: Một số trường hợp đau lưng có thể làm thư giãn các cơ bị căng, giảm đau, phục hồi khả năng vận động cho các khớp bị cứng bằng phương pháp nắn chỉnh bằng tay như nắn xương, trị liệu thần kinh cột sống (chiropractic) hoặc các liệu pháp massage.
  • Thuốc tiêm: Tùy vào nguyên nhân gây đau thắt lưng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm steroid giảm đau và giảm viêm.
  • Phẫu thuật: Với các chấn thương hoặc thoát vị đĩa đệm nặng mà việc điều trị nội khoa không có tác dụng, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật để điều trị đau thắt lưng.

Phòng ngừa đau thắt lưng

Đau lưng do bệnh lý hoặc vấn đề về cấu trúc cột sống hầu như không thể phòng ngừa, tuy nhiên các chấn thương gây ra đau lưng có thể phòng tránh được bằng một số biện pháp sau:
 
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh để trạm gây áp lực lên các đốt sống và đĩa đệm.
  • Tăng cường cơ bụng bằng Pilates và các bài tập thể dục tăng cường cơ cốt lõi hỗ trợ cột sống.
  • Tập các bài tập hỗ trợ và giảm đau thắt lưng như: kéo giãn cơ gấp hông, duỗi thẳng cột sống, tư thế em bé, dựa chân vào tường, bài tập nghiêng khung chậu.
  • Khi nâng các vật nặng cần dang rộng hai chân, lưng thẳng, giữ đồ vật sát bụng và đứng lên từ từ để tránh chấn thương lưng. Cố gắng không xoay người khi đang nâng.
 
 --------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Bình luận

Tìm kiếm

Tin mới nhất

Mới nhất
  • 24/09/2024

    ĐAU THẮT LƯNG: CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIỮ CỘT SỐNG KHỎE?

  • 20/09/2024

    GS.TS.BS RENÉ D.ESSER ĐỒNG HÀNH CÙNG BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MỸ (AIH) PHẪU THUẬT MIỄN PHÍ NHIỀU TRƯỜNG HỢP DỊ TẬT CƠ XƯƠNG KHỚP PHỨC TẠP Ở TRẺ EM

  • 18/09/2024

    TRUNG TÂM ĐIỀU TRỊ BẢO TỒN CƠ XƯƠNG KHỚP TẠI BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MỸ (AIH) - PHỤC HỒI TOÀN DIỆN CHỨC NĂNG VẬN ĐỘNG

Đặt lịch khámĐặt lịch khám

Vui lòng hoàn tất đặt lịch khám với thanh chức năng ở trên

Đội ngũ bác sĩ

Các chuyên gia tại AIH

  • Nguyễn Hồng Trung

    Khoa Chấn thương chỉnh hình

    ThS. BS. Nguyễn Hồng Trung tốt nghiệp Bác sĩ Đa khoa và Thạc sĩ Ngoại khoa tại Đại học Y Dược Huế. Bác sĩ Trung có hơn 30 năm kinh nghiệm quản lý, khám và điều trị tại các bệnh viện lớn TP.HCM. Từng giữ nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc chuyên môn tại Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Dương. Hiện tại, ThS. BS. Nguyễn Hồng Trung đang giữ vai trò Giám đốc Y khoa tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH).

    Tìm hiểu thêm
  • Esser Rene Daniel

    Khoa Chấn thương chỉnh hình

    GS. TS. BS. René D. Esser là Giáo sư, Bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình - Nguyên trưởng Khoa Đại học Stanford, USA; nguyên Trưởng Khoa Bệnh viện Markgroeningen, Tây Đức, nguyên Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Polyclinique du Ternois, Pháp;  Nguyên Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quốc Gia Tupua Tamasese Meaole, Samoa. ​Với bề dày hơn 40 năm kinh nghiệm, GS. TS. BS. René D. Esser là một trong số ít các bác sĩ ngoại khoa – chấn thương chỉnh hình có thể chữa trị cho những ca bệnh dị tật bẩm sinh và các bệnh lý chấn thương nghiêm trọng tại Việt Nam.

    Tìm hiểu thêm
  • Nguyễn Viết Thịnh

    Khoa Chấn thương chỉnh hình

    Mong muốn có thể giúp đỡ được nhiều người là động lực để Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Viết Thịnh quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành Bác sĩ. Có cơ hội làm việc ở nhiều bệnh viện lớn, học hỏi từ các chuyên gia đầu ngành và các bác sĩ nước ngoài, Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Viết Thịnh không ngừng nỗ lực nâng cao kiến thức chuyên môn về Chấn thương chỉnh hình, tích luỹ kinh nghiệm trong từng ca bệnh và luôn tận tâm với nghề thầy thuốc cao quý. 

    Tìm hiểu thêm