Tết là dịp mà hầu hết các gia đình đều mua và dự trữ rất nhiều loại thực phẩm để sử dụng dần trong những ngày nghỉ lễ này. Mặc dù không thiếu cách để chúng ta dự trữ, bảo quản lương thực, thực phẩm nhưng làm sao để đảm bảo thực phẩm luôn an toàn mà vẫn giữ được độ tươi ngon, giàu dinh dưỡng thì chắc hẳn đây không phải là điều mà ai cũng biết. Do đó, hãy cùng Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tìm hiểu bạn nhé!
► Những nguyên tắc chung trong việc bảo quản thực phẩm an toàn:
-
Luôn đảm bảo nhiệt độ thực phẩm thấp hơn 5°C đối với thực phẩm lạnh và trên 60°C đối với thực phẩm nóng để tránh vùng nhiệt độ nguy hiểm, có thể gây ngộ độc thực phẩm.
-
Phân loại các nhóm thực phẩm riêng biệt và không bảo quản chung: ví dụ thực phẩm sống không để chung với thực phẩm đã nấu chín, rau xanh và trái cây không để chung với thịt sống,...
-
Bảo quản thực phẩm trong các hộp có nắp đậy hoặc túi nhựa kín.
-
Luôn kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm.
► Cách bảo quản cụ thể đối với từng nhóm thực phẩm trong tủ:
Cách bảo quản rau củ:
-
Đối với nhóm rau lá sẽ có xu hướng thoát nước tự nhiên theo thời gian. Để giữ cho chúng không bị úng, dập, tốt nhất đừng để nước đọng lại. Điều này có nghĩa là cho rau xanh vào hộp đựng có lót khăn giấy giúp thấm nước. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng túi zip, túi nilon có lỗ thoáng khí và bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh (nhiệt độ dưới 5°C).
-
Đối với nhóm rau củ như cà rốt, cần tây,... thì nước có thể giúp giữ được độ giòn cho nhóm thực phẩm này. Bạn có thể cắt các loại rau củ thành những miếng vừa ăn. Sau khi cắt xong, hãy đặt chúng vào một bát nước và cất mọi thứ vào tủ lạnh. Điều này sẽ giúp rau của bạn không bị mất độ ẩm và bị héo.
Cách bảo quản trái cây:
-
Một số loại trái cây chuyển sang màu nâu khi để ngoài không khí, ví dụ như táo, mặc dù không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng giảm sự hấp dẫn của đồ ăn. Để giảm hiện tượng này, bạn nên bọc lại kín phần bề mặt cắt trước khi bảo quản trong tủ lạnh.
-
Đối với quả mọng tươi như cherry, dâu tây,... thì rửa trong hỗn hợp gồm 1 phần giấm với 3 phần nước giúp trái cây không bị mền nhũn. Hỗn hợp giấm và nước giúp loại bỏ bụi bẩn, bào tử và vi khuẩn. Sau đó rửa lại bằng nước sạch để loại bỏ giấm còn sót lại, làm khô chúng bằng cách vẩy nhẹ và đem cất vào tủ lạnh.
-
Một số loại trái cây có thể sinh ra khí ethylene khi chúng chín như xoài, đào, lê,... Những loại khí này có thể khiến một số loại rau củ và trái cây bị ảnh hưởng và chín nhanh hơn bình thường (dưa leo, mâm xôi, dâu tây,...). Để ngăn thực phẩm bị chín quá nhanh, tốt nhất bạn nên để riêng các thực phẩm dễ sinh khí với các thực phẩm khác.
-
Khi đi siêu thị, mọi thứ bạn mua không nhất thiết phải sẵn sàng để ăn. Những thứ như bơ, chuối, xoài,... vẫn tiếp tục chín sau khi chúng được hái. Hãy thử mua một số mặt hàng khi chúng vẫn còn hơi cứng. Chúng sẽ mềm dần theo thời gian và bạn sẽ có sản phẩm tươi ngon trong nhiều ngày sau đó. Lưu ý đối với những loai trái cây chưa chín bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Cách bảo quản thịt, cá, hải sản tươi sống:
-
Làm lạnh thịt và gia cầm sống ngay lập tức. Đừng để nó ở nhiệt độ phòng. Giữ thịt và gia cầm sống trong tủ lạnh hoặc tủ đông, nhiệt độ dưới 5°C cho đến khi sẵn sàng nấu.
-
Bảo quản thịt gia cầm, gia súc, hải sản và trứng tách biệt với tất cả các loại thực phẩm khác. Ngăn chất dịch tiết ra từ thịt tươi hay hải sản rò rỉ vào các loại thực phẩm khác bằng cách giữ chúng trong hộp hoặc túi nhựa kín. Tốt nhất là nên đặt ở ngăn cuối cùng của tủ lạnh để tránh dịch tiết rơi vào thực phẩm khác.
-
Đông lạnh thịt và gia cầm sống nếu chúng không được sử dụng trong vòng 2 ngày (nhiệt độ tủ đông phải dưới -18°C). Không bao giờ rã đông thịt hoặc gia cầm ở nhiệt độ phòng.Tốt nhất bạn nên lên kế hoạch trước cho việc rã đông chậm và an toàn trong tủ lạnh. Hoặc bạn có thể dùng lò vi sóng để rã đông thực phẩm.
Cách bảo quản trứng và các sản phẩm từ sữa:
-
Giữ trứng trong hộp carton và đặt vào trong khoang kín của tủ lạnh, sử dụng trứng trong vòng 3 tuần để có chất lượng tốt nhất.
-
Bảo quản các sản phẩm sữa (yogurt, phô mai, sữa đã mở nắp,..) ở phần lạnh nhất của tủ lạnh, nơi có nhiệt độ ổn định và cách xa cửa tủ lạnh. Nếu bảo quản ở tủ lạnh, bạn có thể sử dụng trong 1 -2 tuần, ở tủ đông có thể bảo quản lên đến 3-4 tháng. Hãy theo khuyến nghị của nhà sản xuất để đảm bảo thực phẩm được bảo quản tốt mà vẫn giữ nguyên được hương vị, kết cấu.
Cách bảo quản thực phẩm đã chế biến:
-
Sau khi nấu chín thực phẩm thì nên dùng ngay, đối với phần thức ăn thừa nên được bảo quản lạnh hoặc đông lạnh trong vòng 2 giờ, hoặc 1 giờ nếu nhiệt độ ngoài trời trên 32°C, Lưu ý, chia phần thức ăn thừa (thức ăn chưa dùng tới) vào các hộp nhỏ, có nắp đậy và đặt vào khay nước đá giúp đồ ăn nhanh nguội, sau đó đem đi bảo quản lạnh ngay trước khi ăn.
-
Hâm nóng thức ăn thừa đến 74°C và nên ăn hết phần thức ăn thừa. Không nên tái đông lạnh và hâm nóng nhiều lần. Thức ăn thừa chỉ nên bảo quản tối đa trong tủ lạnh là 3-4 ngày.
--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎️ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận