Bệnh thoát vị đĩa đệm ngày càng gia tăng và đang có xu hướng trẻ hóa. Hiện nay, bệnh xuất hiện phổ biến ở độ tuổi 30-50 tuổi. Bệnh có triệu chứng điển hình là làm tê bì chân tay, gây đau cổ vai gáy hoặc đau vùng thắt lưng, cơn đau lan xuống cánh tay, bàn tay, ngón tay hoặc mông, đùi, cẳng chân, bàn chân…Vậy điều trị thoát vị đĩa đệm như thế nào? Khi nào nên thực hiện điều trị phẫu thuật?
► Thoát vị đĩa đệm là gì?
Cột sống kéo dài từ mặt dưới xương chẩm đến đỉnh xương cụt, cấu tạo bao gồm các đốt sống, đĩa đệm và hệ thống các dây chằng. Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống bao quanh là lớp vỏ (vòng sụn) và bên trong là nhân nhầy có vai trò nâng đỡ, đàn hồi giúp cột sống dẻo dai, thực hiện được các động tác cúi, ưỡn, xoay và nghiêng. Bình thường, những đĩa này rất chắc nhưng khi các đĩa đệm này bị tổn thương, lệch đĩa đệm, trượt đĩa đệm hoặc bị hư hại, vòng sụn sẽ bị mòn, rách, nhân nhầy thoát ra, được gọi là thoát vị đĩa đệm.
► Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ thoát vị đĩa đệm
Độ tuổi từ 30 đến 50 có khả năng bị thoát vị đĩa đệm cao nhất. Và nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với nữ giới. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
-
Ngồi trong thời gian dài ở cùng một tư thế
-
Thừa cân
-
Nâng vật nặng
-
Các động tác uốn hoặc xoay người lặp đi lặp lại trong công việc, thể thao hoặc sở thích
-
Yếu tố di truyền
Khi quá trình lão hoá diễn ra, vòng sụn bên ngoài bị xơ hoá, lượng nước và tính đàn hồi của nhân nhầy bị mất đi. Với tác động và sức ép của cơ thể, vòng sụn của đĩa đệm sẽ rách và lớp nhân bên trong thoát ra ngoài gây chèn ép lên các dây thần kinh và tuỷ sống.
► Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm
1. Thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm ở lưng thường gây đau lưng. Cơn đau có thể lan xuống mông, đùi, cẳng chân và đôi khi đến bàn chân. Các triệu chứng khác của thoát vị đĩa đệm ở lưng bao gồm:
-
Đau lưng
-
Ngứa ran hoặc tê ở chân và/hoặc bàn chân
-
Nặng có thể yếu cơ.
2. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm ở cổ bao gồm:
-
Đau tại vị trí giữa các xương bả vai
-
Đau lan đến vai, cánh tay và đôi khi đến bàn tay và ngón tay
-
Đau cổ, đặc biệt ở phía sau và hai bên cổ
-
Đau tăng dần khi cúi hoặc xoay cổ
-
Tê hoặc ngứa ran ở cánh tay
► Biến chứng nguy hiểm của thoát vị đĩa đệm
Biến chứng của thoát vị đĩa đệm là làm tăng nguy cơ đau vùng gáy, cổ, đau thắt lưng mãn tính. Hơn nữa, các trường hợp thoát vị đĩa đệm không được điều trị có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh lâu dài do chèn ép thần kinh nghiêm trọng. Thoát vị đĩa đệm có thể dẫn đến mất khả năng vận động và tàn tật nếu như bệnh diễn biến nặng và không được điều trị kịp thời.
► Các biện pháp chẩn đoán
Trong quá trình thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đánh giá cơn đau, phản xạ cơ, cảm giác, sức mạnh cơ bắp và một số xét nghiệm để đánh giá bệnh lý.
-
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Là phương pháp chẩn đoán phổ biến và chính xác nhất để định vị trí, hình thái, số tầng, mức độ chèn ép của khối thoát vị…
-
Chụp X-quang: Chụp X-quang giúp xác định tình trạng cột sống, thoái hóa, xẹp lún, trượt, hẹp lỗ liên hợp….
-
Chụp cắt lớp vi tính (CT): Cho phép xác định vị trí, cấu trúc cột sống, hoặc dành cho những người không thể chụp MRI.
-
Đo điện cơ (EMG): Là phương pháp đo hoạt động điện của cơ và các dây thần kinh chi phối cơ, giúp chẩn đoán rối loạn chức năng cơ, và xác định dây thần kinh nào bị ảnh hưởng bởi thoát vị đĩa đệm.
► Điều trị hiệu quả thoát vị đĩa đệm
-
Thuốc: Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc giảm đau chống viêm, thuốc giãn cơ…
-
Vật lý trị liệu: Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn những bài tập giúp giảm áp lực lên dây thần kinh, nới lỏng các cơ bị căng và cải thiện tuần hoàn.
-
Kỹ thuật lóc rễ TK: Tiêm thuốc vào khoang ngoài màng cứng dưới hướng dẫn của Carm, và được thực hiện trong phòng mổ. Thuốc giúp giảm sưng và viêm dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm gây ra. Điều này sẽ giúp cơ thể hồi phục và có thể hoạt động lại nhanh hơn.
-
Phẫu thuật: Việc xác định phẫu thuật thoát vị đĩa đệm sẽ tùy vào tính chất tổn thương, vị trí, biến chứng cũng như mức độ ảnh hưởng tới khả năng vận động, lao động và sinh hoạt của người bệnh.
Một số trường hợp sau đây bệnh nhân nên được can thiệp phẫu thuật:
-
Điều trị nội khoa thất bại sau 6 – 8 tuần.
-
Người bệnh gặp phải các cơn đau đột ngột vùng thoát vị, cùng với đó là cảm giác đau đớn dữ dội dù đã sử dụng các biện pháp điều trị bảo tồn khác nhau.
-
Xuất hiện triệu chứng mất kiểm soát bàng quang, đường ruột hay còn gọi là “hội chứng chùm đuôi ngựa” (CES) - tình trạng các rễ của đám rối thần kinh đuôi ngựa bị chèn ép, làm ảnh hưởng đến chức năng vận động, cảm giác, đến hai chi dưới và bàng quang, trực tràng.
►
Lưu ý cho người bệnh sau khi điều trị
Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể sau phẫu thuật và kê đơn thuốc giảm đau cho bệnh nhân. Và đưa ra lời khuyên khi nào bệnh nhân có thể tiếp tục các hoạt động trở lại bình thường, như làm việc, lái xe hay tập thể dục.
Một số bệnh nhân sẽ có cảm giác khó chịu khi thực hiện vật lý trị liệu hoặc hoạt động bình thường sau phẫu thuật.
► Các cách phòng ngừa thoát vị đĩa đệm
-
Tư thế đúng khi mang vác vật nặng: Không cúi gập lưng, chỉ gập đầu gối, giữ thẳng lưng. Sử dụng các cơ bắp chân để giúp hỗ trợ tải trọng.
-
Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý: Cân nặng dư thừa sẽ gây áp lực lên cột sống.
-
Giữ tư thế cột sống đúng trong hoạt động sinh hoạt hằng ngày: Tư thế đúng khi đi bộ, ngồi, đứng và ngủ giúp giảm áp lực cho cột sống.
-
Tránh duy trì một tư thế quá lâu: Thay đổi tư thế khi làm việc bằng cách đứng lên và vận động nhẹ giúp làm giãn cơ sau thời gian ngồi lâu.
-
Tránh mang giày cao gót: Vì giày cao gót làm tăng sự căng cơ, tăng áp lực lên cột sống, tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
-
Tập thể dục thường xuyên: Tập trung vào các bài tập tăng cường cơ lưng và cơ bụng để hỗ trợ cột sống, tăng cường sự dẻo dai cho khớp.
-
Không hút thuốc: Hút thuốc có thể làm yếu các đĩa đệm, làm đĩa đệm dễ bị tổn thương và dễ thoát vị.
--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận