Nhiễm H.pylori có thể không triệu chứng, cũng có thể gây viêm - loét dạ dày hay triệu chứng tiêu hóa khác và thậm chí diễn tiến thành ung thư dạ dày theo thời gian.
► Helicobacter pylori – H.pylori là gì?
Helicobacter pylori – H.pylori là vi khuẩn gây nhiễm trùng mạn phổ biến nhất. Khoảng hơn 50% dân số thế giới nhiễm Hp, trong đó tỷ lệ nhiễm bình quân ở các nước Tây Á khoảng 55% (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan). Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, tần suất trẻ em bị nhiễm H.pylori khá cao (khoảng 34%) và tần suất tăng dần theo tuổi và tăng đến 70% (cao hơn nhiều so với các nước Malaysia, Thái Lan và Singapore với tỷ lệ nhiễm bình quân 40%).
Vi khuẩn H.pylori lây nhiễm từ người nhiễm sang người lành qua đường phân - miệng hay miệng - miệng, dẫn đến sự tần suất lây nhiễm cao giữa những người cùng chung sống trong một môi trường. Điều này phần nào lý giải tỉ lệ nhiễm H.pylori cao tại Việt Nam.
Vi khuẩn H.pylori là vi khuẩn gram (-) vi hiếu khí, hình xoắn và có nhiều đuôi roi. Nhờ đuôi roi và thân hình xoắn, vi khuẩn có thể xuyên qua lớp nhầy, vùi vào niêm mạc, bám dính vào tế bào biểu mô bằng chất bám dính tự tiết. Trong khi hầu hết vi khuẩn khác bị tiêu diệt trong môi trường axít của dạ dày thì H.pylori lại có thể tồn tại trong môi trường axít này và gây tổn thương niêm mạc qua trung gian các chất Mucinases, phospholipases, Vac A - yếu tố độc tế bào.
Hậu quả của viêm dạ dày – tá tràng nhiễm Helicobacter pylori
► Biểu hiện lâm sàng của viêm dạ dày – tá tràng kèm nhiễm H.pylori
Những triệu chứng thường gặp:
-
Đau, cảm giác nóng rát, gặm nhấm tại thượng vị - chấn thủy
-
Nóng rát sau xương ức
-
Ợ hơi, ợ chua
-
Đầy bụng, khó tiêu
-
Buồn nôn, nôn
Những triệu chứng báo động:
-
Sụt cân, thiếu máu không rõ nguyên nhân
-
Máu trong phân hay đi tiêu phân đen
-
Khối u vùng thượng vị (vùng chấn thủy)
Viêm dạ dày - tá tràng cấp và nhiễm H.pylori nếu không được điều trị phù hợp sẽ diễn tiến thành viêm mạn có thể gây loét dạ dày - tá tràng với xuất huyết đường tiêu hóa, gia tăng nguy cơ diễn tiến thành ung thư dạ dày theo thời gian.
Do vậy, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được khám và được chỉ định làm xét nghiệm cần thiết xác định có bị viêm dạ dày, tá tràng và nhiễm H.pylori hay không nếu có một hay những triệu chứng trên hay có người thân chung sống trong gia đình có viêm dạ dày - tá tràng và nhiễm vi khuẩn H.pylori.
► Chẩn đoán như thế nào?
Hiện nay có nhiều loại xét nghiệm giúp xác định sự hiện diện của Hp trong dạ dày, như: xét nghiệm nhanh urease, mô bệnh học, xét nghiệm hơi thở, xét nghiệm kháng nguyên H.pylori trong mẫu phân…
Trong các xét nghiệm xác định sự hiện diện của Hp trong dạ dày, xét nghiệm nhanh urease và xét nghiệm mô bệnh học được thực hiện với mẫu mô nhỏ lấy từ dạ dày qua nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng. Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng được bác sĩ nội soi thực hiện bằng cách luôn một ống soi mềm có máy quay ở đầu ống soi đi từ miệng, họng và vào thực quản rồi dạ dày và phần đầu ruột non để quan sát trong lòng ống tiêu hóa. Nếu có tổn thương nghi ngờ, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô nhỏ - gọi là sinh thiết để xác định sự hiện diện của vi khuẩn H.pylori và bản chất tổn thương đó. Hiện nay, nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng được coi là “phương tiện vàng” để chẩn đoán bệnh lý ống tiêu hóa trên và giúp bác sĩ can thiệp khi cần thiết, như cầm máu ổ loét hay cắt polyp đường tiêu hóa…
Tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), chúng tôi sử dụng hệ thống nội soi hiện đại của Olympus, có khả năng phóng đại và sử dụng chế độ hình ảnh dải sáng hẹp (NBI - Narrow Banding Imaging) để tăng tối đa khả năng khảo sát những bất thường nếu có của niêm mạc đường tiêu hóa và những tổn thương gợi ý ung thư giai đoạn sớm. Cùng với kỹ thuật nội soi có an thần, nội soi gây mê, khách hàng và bệnh nhân sẽ hoàn toàn không cảm thấy đau hay khó chịu khi nội soi. Từ đó xóa tan những nỗi lo thường thấy của khách hàng trước khi nội soi về những bất tiện, đau và khó chịu do nội soi, đồng thời giúp bác sĩ nội soi khảo sát chính xác, đầy đủ và can thiệp phù hợp trên những sang thương, bất thường (nếu có) được phát hiện trong quá trình nội soi.
► Điều trị và phòng ngừa
Sau khi có chẩn đoán chính xác, nếu người bệnh có viêm dạ dày - tá tràng và nhiễm H.pylori thì sẽ được bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tư vấn và giải thích điều trị cụ thể, bao gồm:
-
Những lưu ý khi điều trị (cách dùng thuốc, tác dụng phụ của thuốc, thời gian điều trị, chi phí…)
-
Dự phòng lây nhiễm trong thời gian điều trị
-
Theo dõi tiệt trừ sau điều trị
-
Dự phòng tái nhiễm sau khi đã điều trị tiệt trừ.
Vì những lý do trên, nếu có những triệu chứng như đã nêu, bạn cần phải đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Là một trong 5 chuyên khoa mũi nhọn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), Khoa Tiêu hóa – Gan mật cung cấp đầy đủ các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị các bệnh về đường tiêu hóa. Đội ngũ bác sĩ Chuyên khoa Tiêu hóa – Gan mật giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm tại AIH sẽ giúp đưa ra những chẩn đoán chính xác và lựa chọn phát đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp.
Ths.Bs. NGUYỄN HỮU NHÂN
Nguồn tham khảo:
1/ James K. Y. Hooi, Wan Ying Lai, Wee Khoon Ng, Michael M. Y. Suen, et al. Global Prevalence of Helicobacter pylori Infection: Systematic Review and Meta-Analysis. Gastroenterology 2017;153:420–429.
2/ Nguyen VB, Nguyen GK, Phung DC, Okrainec K, Raymond J, Dupond C, Kremp O, Kalach N, Vidal-Trecan G. Intra-familial transmission of Helicobacter pylori infection in children of households with multiple generations in Vietnam. Eur J Epidemiol. 2006;21(6):459–63.
3/ J Thomas Lamont, MD. Indications and diagnostic tests for Helicobacter pylori infection in adults. Uptodate, updated on May 02, 2022.
4/ Oudai Hassan, MD. Helicobacter Pylori-Associated Active Gastritis. Medscape, updated on Aug 08, 2018.
--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎️ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận